spot_img
26.2 C
Ho Chi Minh City
HomeKinh tếViệt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của FDI

Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của FDI

2 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là kết quả bất ngờ trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp không ít khó khăn hiện nay.

Nhiều điểm sáng nổi bật

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tính đến 20.2.2024 (thời điểm chốt số liệu báo cáo – PV), tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ 2023 – đây là con số tăng ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn như hiện nay.

Top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn trong 2 tháng đầu năm 2024 Nguồn: MPI
Top 10 địa phương thu hút nguồn vốn FDI lớn trong 2 tháng đầu năm 2024 Nguồn: MPI

“Con số này chúng tôi chưa bao giờ nghĩ tới” – Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương chia sẻ.

Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Tuấn Anh – Chủ tịch JCI Việt Nam 2022 – nhấn mạnh: Chính Bộ KHĐT cũng bất ngờ với con số này, bởi trong điều kiện bất ổn hiện nay, các chuyên gia kinh tế từng lo ngại áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu có thể khiến nguồn vốn FDI vào Việt Nam (và nhiều nước khác) có thể giảm.

“Đây là tín hiệu rất đáng mừng, bởi dù kinh tế toàn cầu suy giảm, nhiều bất ổn đang diễn ra, nhưng Việt Nam vẫn là điểm đến an toàn, đầu tư (ĐT) Việt Nam vẫn cho lợi nhuận tạo phấn khởi, tin tưởng cho các nhà đầu tư ngoại” – ông Vũ tuấn Anh nói.

Còn theo TS Nguyễn Đức Độ – Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính), Việt Nam có rất nhiều lợi thế để thu hút các nguồn lực kinh tế từ “sếu đầu đàn” của các nước, đặc biệt là các nhà đầu tư có dự định làm ăn lâu dài tại châu Á. Việt Nam được đánh giá là địa điểm đầu tư an toàn, hiệu quả trong khu vực.

“Hiện nay, Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài nhờ môi trường chính trị, kinh tế vĩ mô ổn định, giá nhân công lao động chưa cao. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết Hiệp định Thương mại song phương, đa phương với nhiều nước và khu vực” – TS Nguyễn Đức Độ nhấn mạnh.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT), trong 2 tháng đầu năm 2024, đã có 48 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 2,08 tỉ USD, chiếm 48,5% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,1 lần so với cùng kỳ 2023, tiếp theo là Nhật Bản, Trung Quốc…

Lũy kế đến 20.2.2024, hiện có 145 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam. Trong đó, đứng đầu là Hàn Quốc với tổng vốn đăng ký hơn 86,1 tỉ USD (chiếm 18,2% tổng vốn đầu tư). Singapore đứng thứ hai với gần 76,2 tỉ USD (chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo lần lượt là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc).

Tính đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỉ trọng cao nhất (gần 285,4 tỉ USD, chiếm 60,3% tổng vốn đầu tư). Tiếp theo là các ngành kinh doanh bất động sản với hơn 69,6 tỉ USD (chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư); sản xuất, phân phối điện với gần 40,7 tỉ USD (chiếm gần 8,6% tổng vốn đầu tư)…

Điều đáng nói là, không chỉ vốn đầu tư tăng, mà tỉ lệ giải ngân vốn cũng rất khả thi, cho thấy Việt Nam tiếp tục là địa chỉ đầu tư an toàn, hiệu quả.

Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Vũ Long
Đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Vũ Long

Môi trường đầu tư hấp dẫn và nhiều tiềm năng

Chia sẻ với Lao Động, chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cũng lạc quan nhận định, trong bối cảnh này, môi trường đầu tư tại Việt Nam có sức hấp dẫn lớn hơn nhiều lo ngại.

Hấp dẫn vì ngoài yếu tố truyền thống như ưu đãi thuế, đất đai, thủ tục hành chính và ưu thế về lao động giá rẻ cũng như cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước còn có ưu thế mới như vị trí địa lý và vị thế kinh tế thuận lợi đón dòng vốn dịch chuyển từ Trung Quốc, chính sách công nghiệp công nghệ cao, bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế số và kinh tế xanh… thu hút nhà đầu tư lớn gắn với tăng tiềm lực nhà đầu tư trong nước.

“Việt Nam đang chứng tỏ khả năng trở thành một trung tâm sản xuất tầm cỡ toàn cầu song vấn đề là cần tối đa hóa lợi ích quốc gia từ vai trò đó” – TS Nguyễn Đình Ánh nói.

Lý giải vì sao thuế tối thiểu toàn cầu tăng đã không tác động đến đầu tư FDI ở Việt Nam, TS Nguyễn Đình Ánh cho rằng, mức thuế đó là mặt bằng chung rồi nên các nhà đầu tư lớn quan tâm nhiều hơn đến những yếu tố cao hơn mặt bằng chung đó.

“Thêm vào đó, phần lớn nhà đầu tư mới vẫn không phải là đối tượng áp thuế tối thiểu toàn cầu” – ông Ánh nói.

Theo Thứ trưởng Bộ KHĐT Trần Quốc Phương, cần triển khai 3 giải pháp để thu hút nguồn vốn FDI lớn, chất lượng, đó là: Tập trung cải thiện hạ tầng và đất đai; tập trung đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; tập trung hoàn thiện công tác thể chế.

Các dự án lớn của nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu sử dụng đất lớn và yêu cầu hạ tầng cao. Do đó, thời gian tới chúng ta sẽ tập trung hoàn thiện các dự án kết nối hạ tầng. Đồng thời, triển khai ngay các văn bản hướng dẫn về Luật Đất đai… Những cơ chế, chính sách mới được ban hành chắc chắc sẽ có những đóng góp quan trọng để thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư vào Việt Nam.

Vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như Hà Nội, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Đồng Nai, Bắc Giang, TPHCM, Hải Phòng, Hưng Yên. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 74,3% số dự án mới và 81,7% số vốn đầu tư của cả nước trong 02 tháng đầu năm 2024.

Nguồn: laodong.vn

Tin mới nhất

Tin khác

Ý kiến

Chia sẻ ý kiến của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn