Sau 12 năm dang dở, dự án dài 73 km qua Bình Dương, Tây Ninh và Long An với kinh phí hơn 2.200 tỷ đồng được thi công trở lại, dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Sáng 18/11, Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Bình Dương tổ chức khởi công lại dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa qua địa phận tỉnh Bình Dương.
Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa được đầu tư xây dựng từ năm 2009, dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Tuy nhiên đến năm 2011, công trình phải dừng thi công do gặp khó khăn nguồn vốn. Việc khởi động lại dự án giúp hoàn thành các hạng mục đang thi công dở dang, góp phần nối tuyến đường đi qua trục Đông Nam Bộ, kết nối Tây Nguyên và các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long.
Tuyến đường dài khoảng 73 km, có điểm đầu tại xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) và điểm cuối giao với tuyến quốc lộ N2, huyện Đức Hòa (Long An) với tổng mức đầu tư 2.293 tỷ đồng.
Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư là 264 tỷ đồng; kinh phí xây dựng hơn 1.667 tỷ đồng; tiền quản lý dự án, tư vấn cùng các chi phí khác hơn 125 tỷ đồng… Riêng đoạn qua Bình Dương dài 31,6 km, kinh phí 680 tỷ đồng do Tập đoàn Đèo Cả thi công, dự kiến hoàn thành trong hai năm.
Giai đoạn một, đường được làm quy mô 2 làn xe, nền đường rộng 12 m, mặt đường 11 m, giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, rộng 32 m. Dọc tuyến sẽ xây dựng 14 cầu (11 cầu tiếp tục thi công hoàn thiện và 3 cầu xây mới), vận tốc thiết kế 100 km/h.
Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Duy Lâm, nói Đông Nam Bộ là trung tâm kinh tế – xã hội của cả nước, với vai trò đầu tàu kinh tế. Tuy nhiên, hệ thống hạ tầng giao thông khu vực đang quá tải, thiếu đồng bộ đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng.
Đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành – Đức Hòa là một đoạn tuyến nằm trong quy hoạch cao tốc Bắc – Nam phía Tây của đất nước. Đây là dự án giúp tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, thu hút đầu tư, mở rộng không gian phát triển đô thị công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ của khu vực.
Theo lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, khi hoàn thành, dự án sẽ kết nối thông suốt và rút ngắn thời gian từ các tỉnh Tây Nguyên qua Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nam Bộ, giảm tải cho các tuyến đường bộ hiện hữu.
Đường Hồ Chí Minh kéo dài từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), dài 2.744 km, quy mô tối thiểu 2 làn xe. Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2020 tuyến đường phải hoàn thành, song đến giữa năm 2022 mới làm được 2.362 km và 258 km tuyến nhánh, đang triển khai 211 km. Còn lại còn 171 km dự kiến cần 10.700 tỷ đồng, trong đó có hai đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất và Gò Quao – Vĩnh Thuận.
Nguồn: vnexpress.net