Cửa ngõ phía Đông của TPHCM là Bình Dương thì cửa ngõ phía Tây là Long An. Cả 2 tỉnh đều có vị trí chiến lược kết nối các tỉnh còn lại của khu vực, cũng đang là đối trọng phát triển khu công nghiệp trong các đô thị hạt nhân của TPHCM.
Long An – Thủ phủ công nghiệp Tây Sài Gòn
Long An là cửa ngõ, nơi kết nối giữa TPHCM và 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ; phía Đông có cảng biển ra cửa sông Soài Rạp, cách Biển Đông 15 km, phía Tây có các cửa khẩu sang Campuchia, một vị trí rất thuận lợi cho việc tiếp cận đầu tư vào các thị trường trong khu vực.
Long An hiện có 28 khu công nghiệp với khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư sản xuất, trong đó có 6 quốc gia đang đứng đầu danh sách về tổng vốn đầu tư (FDI) là Anh, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.
Theo thống kê của batdongsan.com.vn, trong 8 tháng/2023, Long An nằm trong top 10 tỉnh thu hút FDI lớn nhất Việt Nam, đạt 588 triệu USD. Mới đây, tỉnh còn công bố 9 dự án được đầu tư với hơn 1,7 tỷ USD (từ 21 triệu USD – 720 triệu USD/dự án) với nhiều doanh nghiệp lớn tham gia. Theo đó, “Đức Hòa, Bến Lức với vị trí giáp TPHCM, chính là đô thị vệ tinh để xây dựng các khu công nghiệp (KCN) lớn. Các KCN lớn từ 600 – 1.000 ha, xung quanh TPHCM thì chỉ có Đức Hòa và Bến Lức còn quỹ đất để phát triển”, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực miền Nam batdongsan.com.vn chia sẻ.
Lý giải điều này, theo ông Tuấn, Long An có tốc độ tăng trưởng ổn định trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2022, Long An là 1 trong 10 tỉnh có tốc độ thu hút PCI tốt nhất cả nước (PCI là Provincial Competitiveness Index: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh); hiện cũng là tỉnh có tỷ suất nhập cư và tăng trưởng dân cư thành thị cao.
Từ năm 2009 – 2021, Long An có tỷ lệ tăng trưởng gần 2% dân số mỗi năm; và với gần 1,6 triệu dân thì có 1 triệu dân đang trong độ tuổi lao động, trong đó 71% số lượng dân đã được qua đào tạo cơ bản. Cứ 1.000 người ở Long An thì có 47 người nhập cư chuyển tới. Tỷ lệ nhập cư đứng thứ 7 cả nước, cao hơn cả Hà Nội chỉ có 43 người. Đây là cơ sở tốt để các doanh nghiệp đầu tư vào Long An vì có sẵn lao động.
Ngoài ra, theo ông Tuấn, Long An còn sở hữu 6 trục động lực lớn: trục động lực Đức Hòa (kết nối các KCN, đô thị Đức Hòa – Bến Lức – TPHCM); Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh (kết nối cửa khẩu Mỹ Quý Tây – TPHCM – Bến Lức); Quốc lộ 62 (kết nối TP Tân An – Khu kinh tế cửa khẩu Long An); Vành đai 3, Vành đai 4 (kết nối Long An – Đông Nam Bộ – sân bay Long Thành – Cảng); Quốc lộ 50B (kết nối TPHCM – Long An – Tiền Giang), đây là cửa ngõ của 13 tỉnh ĐBSCL); Quốc lộ N1 (Đây là trục trung chuyển không cần qua TPHCM, liên kết từ Tây Nguyên – ĐBSCL – sân bay quốc tế Long Thành – Bà Rịa Vũng Tàu và Long An).
Chỉ cần 2/6 trục động lực đi vào hoạt động sẽ giảm tải chi phí vận chuyển, thu hút dân, nhà đầu tư và kéo theo các dự án, bất động sản xung quanh phát triển.
Nguồn: dantri.com.vn