spot_img
28.9 C
Ho Chi Minh City
HomeHạ tầngHạ tầng giao thông tạo động lực cho kinh tế Long An

Hạ tầng giao thông tạo động lực cho kinh tế Long An

Với hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư, Long An kỳ vọng hoàn thiện hạ tầng giao thông liên tỉnh, liên vùng, thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế.

Vài năm qua, Long An đầu tư mạnh vào hạ tầng giao thông. Trong quy hoạch, địa phương này xem xây dựng kết cấu hạ tầng là “chương trình đột phá” và các tuyến giao thông huyết mạch, kết nối giao thương là “công trình trọng điểm”. Tỉnh liên tục đầu tư mở rộng, nâng cấp các đường tỉnh, quốc lộ quan trọng và dành nhiều nguồn lực hoàn thiện 6 trục phát triển kinh tế bao gồm Vành đai 3 – Vành đai 4 TP HCM; quốc lộ 50B; song hành quốc lộ 62; Mỹ Quý Tây – Lương Hòa – Bình Chánh; quốc lộ N1; Đức Hòa.

Trong số này, hai tuyến Vành đai 3 (đã khởi công) và Vành đai 4 TP HCM là công trình trọng điểm quốc gia, thể hiện rõ vai trò liên kết vùng. Vành đai 3 dài 76 km, đi qua 4 tỉnh, thành gồm Bình Dương, TP HCM, Đồng Nai và Long An có tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng là công trình giao thông lớn nhất phía Nam hiện nay. Tại Long An, tuyến dài 7 km qua huyện Bến Lức – khu vực tiếp giáp TP HCM và tập trung nhiều khu công nghiệp lớn.

Đường Vành đai 3 có 7 km qua Long An, trong khu Vành đai 4 có hơn 70 km. Đồ họa: Khánh Hoàng
Đường Vành đai 3 có 7 km qua Long An, trong khu Vành đai 4 có hơn 70 km. Đồ họa: Khánh Hoàng

Quốc lộ 50B (trước đây là DT827E) có tổng đầu tư 18.600 tỷ đồng. Đây là tuyến đường kết nối trực tiếp TP HCM – Long An – Tiền Giang với đoạn qua Long An dài 35 km. Tuyến đường được kỳ vọng tạo thêm trục lưu thông hàng hóa giữa miền Tây với các tỉnh Đông Nam Bộ, giảm áp lực cho quốc lộ 1. Ngoài ra, quốc lộ 50B còn mở ra hướng kết nối cửa ngõ quốc tế bằng đường biển (cảng Hiệp Phước, cảng nước sâu Thị Vải – Cái Mép, cảng Long An) và đường hàng không (sân bay quốc tế Long Thành).

Quốc lộ 62, N2 – hai tuyến kết nối vùng Đồng Tháp Mười, sẽ sớm được đầu tư nâng cấp với tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng để phát triển kinh tế biên mậu với Campuchia. Đường tỉnh 830 dài 55 km giữ vai trò quan trọng trong phát triển các khu công nghiệp, thu hút nhà đầu tư khi đi qua các huyện Đức Hòa, Bến Lức, Cần Đước và điểm cuối là Cảng Quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc). Các tuyến ĐT823, ĐT816, một số tuyến đường kết nối các khu, cụm công nghiệp, các đô thị mới cũng được hình thành.

Theo đại diện Ban Quản lý Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng (huyện Cần Giuộc), hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư đồng bộ, hoàn thiện là một trong những yếu tố quyết định thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư tại địa phương. Nhiều doanh nghiệp thứ cấp tiết kiệm được thời gian, chi phí, thuận lợi vận chuyển hàng hóa, tăng lợi nhuận, phát huy hiệu quả về đầu tư nhờ tính kết nối của giao thông.

Cầu qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc tuyến Vành đai TP Tân An, dự kiến thông xe cuối năm. Ảnh: Hoàng Nam
Cầu qua sông Vàm Cỏ Tây thuộc tuyến Vành đai TP Tân An, dự kiến thông xe cuối năm. Ảnh: Hoàng Nam

Nhiều huyện, nhất là các huyện có công nghiệp phát triển, dành phần lớn ngân sách đầu tư cho giao thông. Như tại Cần Giuộc – huyện giáp TP HCM và đang được định hướng thành đô thị vệ tinh, ba năm qua huy động 2.310 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Riêng hạ tầng cho giao thông là 1.265,5 tỷ đồng. Ngân sách huyện là 601,4 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 644 tỉ đồng, nhân dân hiến đất, đóng góp tiền trị giá 45,2 tỉ đồng.

Số tiền này chủ yếu cho các công trình như cầu bắc qua sông Cần Giuộc (đã khánh thành cuối tháng 8) và các tuyến đường tỉnh như 835B, ĐT826, ĐT826… Với mạng lưới giao thông hiện hữu, địa phương này thu hút 87 dự án công nghiệp, dân cư, tái định cư, thương mại và dịch vụ, nghĩa trang… với diện tích 5.737 hecta. 8 khu, cụm công nghiệp đã hoàn thành, đi vào hoạt động. Các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho trên 60.000 lao động.

Huyện Đức Hòa cũng đầu tư hàng nghìn tỷ cho các tuyến đường tỉnh như 823D, 822B, 824, 825. Trong đó, công trình DT823D có vốn lớn đến 1.100 tỷ đồng. Theo Phó Bí thư Thường trực huyện Đức Hòa – Vũ Hồng Hạnh, đẩy mạnh các công trình giao thông là một trong nhiều nhiệm vụ với định hướng đưa huyện thành đô thị loại III, tiến đến công nhận thành phố trong tương lai. Các tuyến giao thông quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển các loại hình đô thị, khu, cụm công nghiệp, các loại hình thương mại – dịch vụ, thu hút cư dân.

Theo quyền Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư – Trương Văn Liếp, hạ tầng giao thông hoàn thiện giúp cải thiện năng lực cạnh tranh, môi trường đầu tư kinh doanh và kinh tế xã hội. Hiện, quy mô kinh tế Long An đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm trên 13% tổng quy mô của vùng. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và ở khu vực công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 9 tháng năm 2023 đạt 4,93%.

Nguồn: vnexpress.net

Tin mới nhất

Tin khác

Ý kiến

Chia sẻ ý kiến của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn