spot_img
22.8 C
Ho Chi Minh City
HomeLifestyleDu lịch kết hợp làm việc 'không như mơ'

Du lịch kết hợp làm việc ‘không như mơ’

Justin Ong chỉ có thể ở nhà trọ và leo núi cuối tuần vì vẫn phải trả lời mail trong khi Ferrer thèm được giao tiếp với đồng nghiệp khi làm dân du mục số.

Phong cách sống kiểu du mục kỹ thuật số đang được xem như “hình mẫu của sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống”. Nhiều người nghĩ dân du mục kỹ thuật số sáng tập yoga ngắm cánh đồng lúa chín ở Bali, làm việc từ xa, chiều nhâm nhi ly cocktail bên bờ biển.

Theo khảo sát Workmonitor năm 2024 của công ty nhân sự Randstad Singapore, 42% người Singapore không chấp nhận công việc cứng nhắc, 68% nhân viên thế hệ Z coi trọng sự linh hoạt về giờ làm việc và 61% coi trọng sự linh hoạt trong địa điểm. Nick Morris, Giám đốc điều hành công ty Canvas8 – chuyên nghiên cứu thị trường – nói mong muốn sống du mục kỹ thuật số được thúc đẩy bởi Covid-19. Ngày nay, thế hệ thiên niên kỷ và thế hệ Z ưu tiên lối sống giàu trải nghiệm hơn là sự thăng tiến truyền thống.

Tuy nhiên, nhiều du mục kỹ thuật số tiết lộ mọi thứ không hề màu hồng, họ phải đối mặt nhiều vấn đề như hạn chế thăng tiến, sự bất ổn và vô số trở ngại khi vừa làm, vừa di chuyển.

Chew và Low tại Dubai. Ảnh: Shrugmyshoulder

Jenny, 27 tuổi, người Singapore, đã dành bảy tháng trong năm 2023 tại Mỹ, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc để làm việc cho một công ty công nghệ tài chính trụ sở ở Singapore. Công ty này đã áp dụng chính sách làm việc từ xa sau đại dịch. Dù làm việc từ xa không ảnh hưởng đến năng suất, Jenny thừa nhận có những nhược điểm như khó duy trì thói quen làm việc ổn định, ranh giới giữa làm và nghỉ không rõ ràng. Ngoài ra, nếu có vấn đề trong cuộc sống, Jenny cũng không có văn phòng để lên làm việc tập trung và quên đi nó.

“Dĩ nhiên, làm từ xa giúp bạn có nhiều thời gian hơn nhưng nếu không có lịch trình phù hợp, công việc sẽ trở nên đơn điệu, nhàm chán”, cô nói.

Ông David Blasco Ramirez, Tổng giám đốc Randstad Singapore, công ty chuyên về tuyển dụng, cho biết sức khỏe tâm thần là điều cần cân nhắc với những người tìm kiếm công việc hoàn toàn từ xa. Trong khi, nơi làm việc truyền thống thúc đẩy các kết nối xã hội giữa đồng nghiệp. Với dân du mục kỹ thuật số, tương tác trong công việc lại đơn thuần “như các giao dịch”.

Cuộc sống của du mục kỹ thuật số cũng tốn kém. The Straits Times chỉ ra một du mục kỹ thuật có thu nhập trung bình hàng năm khoảng 85.000 USD. Như Jenny, cô có thể kiếm từ 100.000 USD mỗi năm, qua đó chi tiêu thoải mái cho chuyến đi ba tháng khắp nước Mỹ. Tuy nhiên, không phải ai cũng thoải mái chi tiêu giống Jenny.

Chew và Low, cặp du mục kỹ thuật số, chi khoảng 2.000 USD mỗi tháng cho chi phí sinh hoạt, gồm vé máy bay, chỗ ở, bữa ăn, vé tham quan. Chew nói nhiều người thường nghĩ du mục kỹ thuật số ở trong khách sạn 4-5 sao, ăn ngon nhưng thực tế không như vậy. Chew và Low tiết kiệm chi phí bằng việc đặt vé máy bay trước 6-9 tháng để đảm bảo giá tốt, phải ở Aribnb trong 1-2 tuần để hưởng chiết khấu lưu trú dài. Họ thường tránh các khu du lịch trung tâm nên sẽ tốn thời gian hơn để di chuyển.

Việc sắp xếp các điểm đến cũng được cân nhắc kỹ lưỡng, xen kẽ giữa nơi chi phí vừa phải và cao, ví dụ Thái Lan rồi tới Thụy Sĩ, Chile. Điều này giúp số tiền chi tiêu mỗi tháng của họ không khác nhiều so với những gì phải trả nếu sống ở trung tâm Singapore. Lối sống của Chew cũng buộc phải tối giản hóa dù trước kia cô thích mua những đồ lưu niệm từ mỗi quốc gia. Tuy nhiên, với vali chật cứng quần áo cho đông lẫn hè, cô phải chi tiêu có chủ đích và tiết kiệm hơn trong việc mua sắm.

Đôi du mục kỹ thuật số làm việc ở Bali. Ảnh: Made Two Travel

Justin Ong, một du mục kỹ thuật số khác, nói lối sống này khiến anh gặp nhiều hạn chế về lịch trình, ngân sách. Anh không được ở trong những khách sạn tốt nhất, bay các chuyến bay tốt nhất. Thay vào đó, Ong ở trọ và chỉ có thể thực hiện các chuyến đi bộ đường dài yêu thích của mình trên núi vào cuối tuần vì vẫn phải trả lời mail.

Daniel Ferrer, du mục kỹ thuật số người Mỹ gốc Philippines, tiết lộ “thèm giao lưu với mọi người trên đường” vì anh không có đồng nghiệp. Những đêm ở khách sạn, anh thấy cô đơn vì không có ai để trò chuyện.

“Bạn đâu thể bước vào sảnh khách sạn và nói hãy làm bạn với tôi”, Ferrer nói. Anh cũng đổi dần sang ở nhà trọ vì nơi này đông vui và mọi người hòa đồng hơn. Niềm vui Ferrer nhận thấy là anh có thể nói nhiều điều với một người mới quen vì biết sẽ chẳng bao giờ gặp lại họ.

Ferrer nói lối sống du mục kỹ thuật số có nhiều điểm hay nhưng sẽ gây hạn chế nếu muốn thăng tiến trong công việc. Cuộc sống trên đường luôn tiềm ẩn nhưng yếu tố bất ngờ, ảnh hưởng năng suất làm việc. Ví dụ, những chuyến bay bị hoãn có thể ảnh hưởng đến thời gian họp. Internet kém cũng khiến thời gian làm việc kéo dài hơn.

Bà Marilyn Ho, chuyên gia tư vấn tại công ty tuyển dụng Robert Walters Singapore, cho biết hình thức làm việc kiểu du mục kỹ thuật số đã phổ biến nhưng chưa thực sự áp dụng rộng rãi. Trên khía cạnh kinh doanh, hỗ trợ du mục kỹ thuật số có thể là chiến lược giữ chân nhân tài. Mặt khác, người sử dụng lao động có thể tiết kiệm chi phí bằng cách thu hẹp văn phòng.

Với Jenny, cô không quan tâm việc thăng tiến và công ty cũng đẩy mạnh văn hóa làm việc từ xa này. Các công ty thoải mái trong vấn đề làm từ xa đa phần hoạt động trong lĩnh vực công nghệ – nơi nhân sự thường không ổn định. Jenny chứng kiến cảnh nhiều đồng nghiệp rời đi vì những đợt cắt giảm đột ngột.

“Bạn có thể bị sa thải bất kỳ lúc nào và điều đó thực sự làm hỏng kế hoạch”, cô nói. Tuy nhiên, ở tuổi dưới 30, Jenny vẫn thích cuộc sống hiện tại. Cô còn độc thân, không gánh những khoản nợ nên muốn tiếp tục du lịch qua các quốc gia. Jenny chưa biết sẽ thế nào khi kết thúc cuộc đời du mục kỹ thuật số nhưng chắc chắn cô không bao giờ quay lại văn phòng làm việc.

Hoài Anh -Vnexpress (Theo The Straits Times)

Tin mới nhất

Tin khác

Ý kiến

Chia sẻ ý kiến của bạn!
Vui lòng nhập tên của bạn