Bộ Xây dựng được giao theo sát tình hình, có giải pháp tháo gỡ, xử lý để các khó khăn của thị trường bất động sản “phải có chuyển biến rõ nét 6 tháng cuối năm”.
Tại Nghị quyết 93 ngày 18/6, Chính phủ giao Bộ Xây dựng cùng các bộ ngành, địa phương rà soát, gỡ vướng cho các doanh nghiệp bất động sản trong phát triển dự án.
Yêu cầu được Chính phủ đưa ra trong bối cảnh thị trường có tín hiệu phục hồi nhưng chưa thoát khỏi khó khăn. Hiện, nhiều dự án vẫn gặp vướng về quy hoạch, pháp lý hay thủ tục thực hiện. “Việc này phải có chuyển biến rõ nét trong 6 tháng cuối năm”, Nghị quyết nêu.
Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước và các địa phương rà soát, đánh giá kỹ nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng. Sau hơn một năm gói tín dụng này mới giải ngân chưa tới 1%, tức khoảng 1.144 tỷ đồng. Trong số này khoảng 1.100 tỷ cho chủ đầu tư tại 11 dự án, còn lại người mua nhà. Vì thế, hai cơ quan này phải sớm có giải pháp tăng giải ngân, gỡ vấn đề liên quan đối tượng vay, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay…
Trung tâm TP HCM tháng 7/2023. Ảnh: Quỳnh Trần
Thực tế, thị trường địa ốc có dấu hiệu phục hồi tích cực qua từng tháng cùng với diễn biến nền kinh tế. Theo dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), tỷ lệ hấp thụ nguồn cung mới toàn thị trường đạt gần 31% trong quý I, với khoảng 6.200 giao dịch thành công. Con số này tăng 8% so với quý trước và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng nhận định thị trường vẫn chưa hết khó khăn. Những bất cập, vướng mắc đã được nhận diện nhưng vẫn cần thời gian để tháo gỡ, như mất cân đối cung – cầu. Theo cơ quan này, nguồn cung vừa qua cải thiện, song chưa đáp ứng nhu cầu. Cùng đó, cơ cấu sản phẩm trên thị trường không hợp lý, khi số nhà ở cao cấp chiếm tỷ trọng lớn, trong khi nhà giá rẻ, nhà ở xã hội lại thiếu. Đây là tồn tại vốn kéo dài nhiều năm qua.
Một trong cách gỡ khó nữa, là Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, cho phép 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản, là Luật Đất đai, Nhà ở và Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm từ 1/8. Để đủ cơ sở pháp lý khi các luật này được thi hành sớm, các Bộ, cơ quan, địa phương được yêu cầu trong tháng 6 trình Chính phủ ban hành các nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn.
Chia sẻ tại một tọa đàm ngày 19/6, Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa nhận đang có tắc nghẽn về đất đai, pháp lý, thanh tra kiểm tra. Theo ông, mỗi thành phố lớn hiện có hàng trăm dự án lớn chưa giải quyết được, tồn đọng hàng chục năm. “Nếu tháo gỡ được sẽ là nguồn lực lớn cho xã hội”, ông Dũng nói, nhấn mạnh gỡ vướng cho doanh nghiệp, đặc biệt bất động sản là việc buộc phải thực hiện.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP ở mức 6,5% và CPI 4%. Để đạt mục tiêu này, Chính phủ yêu cầu điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, hài hòa với chính sách tiền tệ, tiết kiệm, kiểm soát chặt bội chi ngân sách, nợ công.
Ngân hàng Nhà nước điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp, tăng thanh tra, kiểm soát rủi ro nợ xấu, chất lượng tín dụng. Cơ quan này phải làm việc với các ngân hàng thương mại để tiếp tục giảm lãi suất cho vay, ưu tiên vốn cho một số lĩnh vực như nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, Chính phủ lưu ý xử lý các điểm nghẽn về pháp lý cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Các bộ ngành, địa phương không trông chờ ỷ lại, đùn đẩy, né tránh và kịp thời đề xuất, kiến nghị những vấn đề vượt thẩm quyền, theo Nghị quyết.
Các bộ ngành cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi, giảm chi phí tuân thủ, xử lý vướng mắc về hoàn thuế giá trị gia tăng, phòng cháy, chữa cháy, truy xuất nguồn gốc cho người dân, doanh nghiệp.
Phương Dung – Vnexpress