Theo Bộ Xây dựng, TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.
Hiện cả nước có hàng trăm dự án bất động sản, nhà ở thương mại bị vướng mắc, chủ yếu là vướng mắc pháp lý. Trong đó, TP.HCM có hơn 148 dự án bị vướng mắc pháp lý không thể triển khai thực hiện hoặc không thể thực hiện được các thủ tục đầu tư xây dựng.
Đến nay, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản hướng dẫn tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho 142 dự án bất động sản, nhà ở trong tổng số 191 dự án mà các địa phương đã báo cáo. Riêng TP.HCM đã tháo gỡ khó khăn cho 44 dự án trong tổng số 148 dự án bị vướng mắc, đạt 30%.
Mặc dù vậy, theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, bên cạnh nỗ lực vượt bậc của Chính phủ, đến nay vẫn còn một số bất cập, trong việc xử lý vướng mắc của các dự án bất động sản, nhà ở do một số quy định của luật.
Đầu tiên là vướng mắc trong luật Nhà ở 2014 và luật Đất đai 2024 quy định doanh nghiệp chỉ được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở hoặc đang có quyền sử dụng đất ở và đất khác để thực hiện dự án nhà ở thương mại.
Tại thời điểm luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, TP.HCM có 170 dự án nhà ở thương mại. Trong đó, có 44 dự án đã được công nhận chủ đầu tư theo các quy định của luật, còn lại 126 dự án nhà ở thương mại không có 100% đất ở, bao gồm hơn 100 dự án có đất ở và đất khác chiếm khoảng 85% và hơn 20 dự án có đất khác không phải là đất ở chiếm khoảng 15% đều không được công nhận chủ đầu tư do không đáp ứng điều kiện quy định theo luật Nhà ở 2014.
Đến khi luật Đầu tư 2020 tại điểm c khoản 1 điều 75 sửa đổi khoản 1 điều 23 luật Nhà ở 2014 mới quy định bổ sung thêm 1 trường hợp cho phép chỉ định chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đang có quyền sử dụng đất ở hợp pháp và các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang làm đất ở.
Bắt đầu từ ngày 1.1.2025, luật Đất đai 2024 có hiệu lực vẫn còn khoảng 15% trong tổng số các dự án nhà ở thương mại mà nhà đầu tư chỉ có đất khác không phải là đất ở không được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại.
Ngoài ra còn một số bất cập, vướng mắc về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư; vướng mắc về xử lý chuyển tiếp về nghĩa vụ của chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại dành một phần quỹ đất (quỹ đất 20%) của dự án để phát triển nhà ở xã hội; công tác định giá đất, thẩm định giá đất, quyết định tiền sử dụng đất, tiền thuê đất hoặc nghĩa vụ tài chính bổ sung (nếu có), mà trách nhiệm này thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không phải lỗi của doanh nghiệp…
Nguồn: thanhnien.vn