Các dự án đang được ngành giao thông Tp.HCM lên kế hoạch triển khai thời gian tới giúp giảm kẹt xe cửa ngõ Tây Bắc, tăng kết nối vùng.
Cụ thể, cao tốc T p. HCM – Mộc Bài dài hơn 51 km, điểm đầu từ Vành đai 3 Tp.HCM ở huyện Củ Chi (Tp.HCM), điểm cuối gần Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Tổng mức đầu tư dự án giai đoạn 1 với 4 làn xe là 19.886 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 9.387 tỉ đồng, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 6.900 tỉ đồng…
Dự án sẽ triển khai theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Trong đó, ngân sách góp gần 50% (khoảng 9.943 tỉ đồng), còn lại là vốn do nhà đầu tư huy động.
Công tác giải phóng mặt bằng triển khai dự án từ tháng 10/2024 đến tháng 10/2025; dự kiến khởi công tháng 5/2025 và hoàn thành, thông xe tháng 12/2027.
Cao tốc Tp.HCM – Mộc Bài khi khai thác giúp hoàn thiện mạng lưới giao thông Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; tăng năng lực khai thác đường liên vận quốc tế nối Tp.HCM với Campuchia. Công trình phá thế độc đạo, tạo tuyến đường mới kết nối Tp.HCM qua Tây Ninh, giảm tải Quốc lộ 22.
Mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa lên 32 – 40 m . Đường Nguyễn Văn Bứa (huyện Hóc Môn) là tuyến trục chính cửa ngõ nối Tp.HCM với tỉnh Long An nhưng mặt đường hẹp chỉ 11 – 14 m. Phương tiện lưu thông cao nên đường Nguyễn Văn Bứa kẹt xe triền miên, đặc biệt nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên tuyến đường này.
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Tp.HCM đã kiến nghị UBND Tp.HCM xem xét bố trí vốn để làm dự án mở rộng đường Nguyễn Văn Bứa (đoạn từ Ngã Ba Giồng đến cầu Tỉnh lộ 9) và xây dựng cầu Lớn. Đoạn đường Nguyễn Văn Bứa sẽ được mở rộng lên từ 32 – 40 m. Đồng thời, xây dựng mới một đơn nguyên cầu Lớn và cầu Tỉnh lộ 9, mỗi cầu dài 58 m, rộng 17,5 m. Ngoài ra, mở rộng cầu Tỉnh lộ 9 hiện hữu. Tổng mức đầu tư dự án hơn 2.421 tỉ đồng bằng vốn ngân sách Tp.HCM, triển khai giai đoạn 2024 – 2028.
Mở rộng Quốc lộ 22 là tuyến đường huyết mạch vận chuyển hàng hóa từ các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ và từ Tp.HCM đi Tây Ninh qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài sang Campuchia và các nước khu vực ASEAN.
Tuy nhiên từ bao nhiêu năm nay, tuyến đường nhỏ hẹp, chỉ 6 làn xe. Trên tuyến đường này, đoạn từ vòng xoay An Sương đến ngã tư Tân Trung Chánh, Nguyễn Ảnh Thủ, Nguyễn Văn Bứa… hay ở hướng ngược lại từ thị xã Trảng Bàng (Tây Ninh) đi Tp.HCM ngày nào cũng kẹt xe. Điều này đã trở thành nỗi ám ảnh của người đi đường.
Dự án mở rộng Quốc lộ 22 đã được HĐND Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao). Quốc lộ 22 (từ ngã tư An Sương đến Vành đai 3 Tp.HCM) dài 9,1 km sẽ mở rộng lên gần 60 m, trên tuyến xây dựng 2 cầu vượt tại nút giao Nguyễn Ảnh Thủ và nút giao Nguyễn Văn Bứa. Tổng mức đầu tư dự án hơn 7.100 tỉ đồng.
Hiện UBND Tp.HCM đã ban hành kế hoạch triển khai dự án mở rộng Quốc lộ 13, dự kiến khởi công cuối năm 2025, hoàn thành năm 2028.
Xóa nút thắt cổ chai Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý . Hiện đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý là điểm nóng kẹt xe nặng nề nhất Tp.HCM do đây là cửa ngõ trục chính phía Tây Bắc ra vào trung tâm Tp.HCM có mặt đường quá hẹp, trong khi số lượng xe lưu thông rất lớn.
Đường Trường Chinh đoạn từ nút giao An Sương đến đường Cộng Hòa rộng 10 làn xe lưu thông, thì đoạn đường Trương Chinh đến Âu Cơ dài 700 m mặt đường bóp lại cho 4 làn xe lưu thông.
Để xóa “nút thắt cổ chai” tại đây, Sở GTVT TPHCM đã đề xuất UBND Tp.HCM bố trí hơn 5.000 tỉ đồng thực hiện hai dự án mở rộng đường Trường Chinh và Tân Kỳ Tân Quý.
Trong đó, dự án mở rộng đường Trường Chinh (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Âu Cơ) dài 765 m, rộng 30 m (hiện nay rộng khoảng 10-12 m) cho 6 làn xe lưu thông với tổng mức đầu tư khoảng 3.750 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2028.
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Tân Kỳ Tân Quý (đoạn từ đường Cộng Hòa đến đường Lê Trọng Tấn) dài 636 m, rộng 30 m (hiện nay rộng khoảng 8 m) cho 6 làn xe lưu thông với tổng vốn 1.345 tỉ đồng, triển khai giai đoạn 2024 – 2027.
Nguồn: cafef.vn