Trong năm nay, TPHCM sẽ khởi động 5 dự án BOT gồm mở rộng quốc lộ 22, quốc lộ 13, quốc lộ 1A (đoạn qua TPHCM), nâng cấp trục đường Bắc – Nam và xây dựng cầu đường Bình Tiên với tổng mức đầu tư hơn 44.000 tỷ đồng.
Tại kỳ họp thứ 11 diễn ra vào cuối tháng 9/2023, Hội đồng Nhân dân (HĐND) TPHCM khóa X đã biểu quyết thông qua danh mục dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu áp dụng loại hình hợp đồng BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).
Theo đó, 5 dự án BOT có tổng mức đầu tư gần 44.600 tỷ đồng, gồm: Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến ranh tỉnh Bình Dương); nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An); cải tạo, nâng cấp quốc lộ 22 (từ nút giao An Sương đến đường Vành đai 3); nâng cấp đường trục Bắc – Nam (đoạn từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành); xây dựng cầu đường Bình Tiên (từ đường Phạm Văn Chí đến đường Nguyễn Văn Linh).
Với các dự án này, ngân sách nhà nước sẽ tham gia với tỷ lệ từ 50% trở lên để giải phóng mặt bằng, 50% còn lại do nhà đầu tư thu xếp vốn để thi công phần xây lắp.
Thông tin với PV về tình hình triển khai các dự án trên, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM – cho biết, đây là những dự án được đề xuất ưu tiên đầu tư sau khi có Nghị quyết 98 về cơ chế đặc thù cho phép TPHCM áp dụng hợp đồng BOT với các công trình mở rộng đường hiện hữu.
Hiện nay, Sở GTVT đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với các dự án dự kiến trong quý II năm nay sẽ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Sau đó, vào cuối năm nay sẽ lập báo cáo nghiên cứu khả thi, trình cơ quan có thẩm quyền thông qua chủ trương đầu tư và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. TPHCM phấn đấu đến năm 2025 sẽ khởi công các dự án BOT này.
Theo ông Lâm, các dự án này được chọn lựa ưu tiên đầu tư dựa theo 5 tiêu chí, gồm: Tính chất và vai trò của các tuyến đường; giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; đánh giá sơ bộ về tính khả thi về phương án tài chính của dự án; khả năng huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư vào dự án; khả năng cân đối vốn ngân sách tham gia dự án.
“Việc thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu rất phức tạp. Trước đây, luật không cho phép thực hiện dự án BOT trên đường hiện hữu. TPHCM đã xin thí điểm. Chúng tôi đã rất cân nhắc vì liên quan vấn đề quyền lợi, ảnh hưởng đến người dân ở dọc hai bên đường. Trong quá trình nghiên cứu, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến, góp ý của người dân để tạo sự đồng thuận. Vì mục tiêu phát triển chung, thành phố phải đầu tư các công trình này.
Để đầu tư nghiên cứu, TPHCM phải tổ chức khảo sát, mô phỏng, đánh giá. Chắc chắn khi đầu tư xong sẽ hiệu quả hơn. Năng lực thông hành của tuyến đường đó và mạng lưới đường giao thông xung quanh phải tốt hơn, góp phần phát triển kinh tế, xã hội và giảm ùn tắc” – ông Trần Quang Lâm cho hay.
Đang thẩm định dự án 2 cây cầu BOT nghìn tỷ Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Lâm cũng cho biết, ngoài các dự án trên, Sở GTVT cũng đã nghiên cứu xong và trình hội đồng thẩm định, Sở Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án xây dựng cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4. Theo ông Lâm, cầu Cần Giờ có tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT, là công trình giao thông mang tính chất kết nối vùng. Công trình sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối từ huyện Nhà Bè sang trục đường Rừng Sác đến nút giao giữa đường Rừng Sác - cao tốc Bến Lức - Long Thành. Tương tự, cầu Thủ Thiêm 4 cũng dự kiến được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư), loại hình Hợp đồng BOT. Tổng mức đầu tư của dự án là khoảng 6.030 tỷ đồng (bao gồm lãi vay 320 tỷ đồng). Công trình sẽ từ đường Nguyễn Cơ Thạch (TP Thủ Đức) vượt sông Sài Gòn để kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), hình thành trục giao thông từ khu vực phía Đông sang phía Nam TPHCM.
Nguồn: cafef.vn