Ngay từ những ngày đầu Xuân Giáp Thìn 2024, số lượng người tìm kiếm mua nhà đất đã tăng mạnh, báo hiệu một năm với nhiều tín hiệu khởi sắc của thị trường bất động sản (BĐS).
Nhu cầu tăng mạnh
Đúng như dự báo của các chuyên gia, bước vào năm 2024, thị trường BĐS đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất. Ngay từ đầu năm, thị trường BĐS đã đón nhận nhiều tín hiệu tích cực sau khi những cơ chế, chính sách nhằm “giải cứu” thị trường từ năm 2023 đủ thời gian để “thẩm thấu” và hàng hoạt quy định mới trong các dự án luật sửa đổi, bổ sung được Quốc hội thông qua (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS…). Nhà đầu tư đã rục rịch quay trở lại thị trường và những người có nhu cầu mua nhà đất ở thực cũng bắt tay vào kế hoạch hiện thực hóa ước muốn sở hữu nhà ở.
Số liệu báo cáo nghiên cứu thị trường từ trang thông tin batdongsan.com.vn, trong tháng 1/2024 lượng người tìm kiếm nhà đất trên phạm vi cả nước đã tăng 66% so với cùng kỳ năm 2023, tương tự số lượng sản phẩm BĐS được đăng tin rao bán cũng tăng 52%. Trong đó, 2 thị trường chủ lực là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu cả nước về lượng người tìm kiếm mua BĐS, tập trung chủ yếu vào 2 dòng sản phẩm là chung cư và đất nền. Cụ thể, tại Hà Nội lượng tìm kiếm đất nền tăng 110%, đất dự án tăng 77% so với cùng kỳ năm trước, còn lượng tìm kiếm chung cư tăng 71%; tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tìm kiếm đất nền, đất dự án lần lượt tăng 71 – 73% và tăng đối với chung cư là 59%.
Đáng chú ý, cũng từ số liệu khảo sát xã hội học về thị trường BĐS trong nửa đầu năm 2024 của trang thông tin này về chỉ số tâm lý của người tiêu dùng và nhà đầu tư đã chỉ ra rằng, có tới 65% người tiêu dùng vẫn tiếp tục với kế hoạch mua nhà đất, trong đó đất nền là loại hình được quan tâm nhất; đặc biệt, tâm lý của bên bán cũng không còn quá dè chừng hoặc muốn “ôm” hàng chờ tăng giá. Tổng kết lại, chỉ số tâm lý của thị trường BĐS đã tăng thêm khoảng 3% so với cùng kỳ năm 2023.
“Sau khoảng 1 năm, những cơ chế, chính sách nhằm “giải cứu” thị trường BĐS đã bắt đầu phát huy hiệu quả hơn trong thực tế. Hơn nữa các dự án luật sửa đổi, bổ sung liên quan chặt chẽ đến thị trường BĐS đã chính thức được Quốc hội thông qua, tạo tâm lý ổn định hơn cho người dân, nhà đầu tư. Chỉ số tâm lý thị trường tăng lên là do mức độ hài lòng đã được cải thiện rõ rệt, cùng với việc lãi suất ngân hàng duy trì ổn định ở mức thấp hơn trước đây, là tín hiệu tích cực đối với thị trường trong năm 2024. Trong các phân khúc, chúng tôi cho rằng đất nền vẫn được đánh giá cao hơn cả, tiếp đó là căn hộ chung cư”
Giám đốc batdongsan.com.vn khu vực miền Nam Đinh Minh Tuấn cho hay.
Vẫn cần khơi thông nguồn vốn
Đồng quan điểm với các dự báo, chuyên gia kinh tế – TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, thị trường BĐS bước sang năm 2024 đang đón nhận nhiều tín hiệu tích cực, gia tăng cả về nguồn cung lẫn lực cầu. Đối với DN kinh doanh BĐS, sau những khó khăn đã trải qua thời gian gần đây, đặc biệt là hơn 2 năm đại dịch Covid-19 đã đúc rút ra được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong công tác điều hành, quản lý, kinh doanh để thích ứng với sự thay đổi liên tục của thị trường. Nhưng thách thức lớn nhất trong thời gian tới mà DN vẫn phải đối diện đó là vấn đề về nguồn vốn.
“Tuy nhiên, thị trường BĐS mới chỉ hồi phục một số phân khúc. Bên cạnh đó là tình trạng mất cân đối về cơ cấu sản phẩm tiếp tục sâu sắc hơn; DN đối diện với áp lực về đáo hạn trái phiếu. Thách thức lớn nhất trong năm nay vẫn là vấn đề về nguồn vốn, trong khi điều kiện tiếp cận tín dụng tiếp tục bị siết chặt thì mức tăng trưởng tín dụng thấp và lãi suất vẫn cao so với khả năng chi trả của DN trong giai đoạn khó khăn này”
TS Nguyễn Minh Phong phân tích.
Còn theo chuyên gia kinh tế – tài chính – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trong năm 2023 Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành đã làm việc một cách rất quyết liệt với quyết tâm cao nhằm khôi phục trở lại thị trường BĐS. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là giải pháp để tiếp tục khơi thông nguồn vốn cho thị trường BĐS. Trong đó, thu hút vốn FDI là vấn đề quan trọng, cần xem xét đổi mới các biện pháp hỗ trợ DN FDI trong việc tiếp cận thủ tục đầu tư, ưu đãi. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, để giảm thiểu chi phí tiếp cận, thẩm định, rút ngắn quá trình xét duyệt đầu tư.
“Đặc biệt, đối với giải ngân vốn đầu tư công cần đề cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, tập trung vào việc tháo gỡ khó khăn về thủ tục khởi công dự án, sớm phân bổ nguồn vốn đầu tư công, điều chỉnh nhanh giá cả theo giá thị trường, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng. Đối với nguồn vốn tín dụng, thực hiện nhanh chóng, nghiêm túc, linh hoạt các chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước để đưa nguồn vốn đến với DN BĐS, chỉnh sửa cơ chế phù hợp để DN xây dựng lộ trình phát hành trái phiếu, ngân hàng thương mại đẩy nhanh việc xem xét, thẩm định cho vay ở các dự án BĐS, nhà ở”
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.
Trong khi đó, chia sẻ về kinh nghiệm của Thái Lan trong vận hành tài chính BĐS, Chủ tịch Chi nhánh liên đoàn BĐS thế giới tại Thái Lan Sopon Pornchokchai cho biết, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện một số cơ chế nhằm hỗ trợ người mua nhà, như: trợ cấp trực tiếp một số tiền nhất định giúp nhóm người thu nhập thấp mua nhà, họ có quyền lựa chọn bất cứ dự án nào trên thị trường; trợ cấp qua hệ thống tài chính là việc Chính phủ thành lập một quỹ hoặc một ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn lãi suất thương mại. Hay trợ cấp về thuế được áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án nhà ở giá rẻ và người mua; hỗ trợ trên tài khoản tiết kiệm và thưởng để người dân có tiền đặt cọc mua nhà…
“Chính phủ Thái Lan còn thực hiện rất tốt việc tận dụng những khu đất ổ chuột để phục vụ mục đích thương mại. Do đó, người dân sống trong các khu này được di dời đến những nơi phù hợp với tiện ích và dịch vụ tốt hơn. Đồng thời có chiến lược bảo trì nhà ở hiệu quả, nên giá nhà sẽ không bị giảm quá nhiều do được bảo trì tốt, liên tục. Kinh nghiệm với các nước nghèo và đang phát triển thì nguồn tài chính nhà ở không nên phụ thuộc quá nhiều vào Chính phủ vì nguồn lực còn hạn chế, mà cần khai thác tốt khu vực tư nhân”
Chủ tịch Chi nhánh liên đoàn BĐS thế giới tại Thái Lan Sopon Pornchokchai chia sẻ.
Để giúp cho thị trường BĐS trong năm 2024 và những năm tiếp theo phục hồi tốt hơn, phát triển bền vững, Chính phủ cần thúc đẩy đầu tư công mạnh hơn. Đối với việc điều hành chính sách tín dụng, cần nghiên cứu, áp dụng những gói tài chính ưu đãi về lãi suất đối với cả chủ đầu tư và người mua nhà, tạo điều kiện cho DN BĐS được tiếp cận với nguồn vốn ngoại. Cùng với đó, nghiên cứu phương án giảm thuế đối với ngành hàng là đầu vào của BĐS, tiếp tục áp dụng biện pháp hỗ trợ DN như giảm, giãn, hoãn, miễn một số loại thuế, phí. Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, TS Nguyễn Văn Đính
Nguồn: baomoi.com