Đại gia viễn thông Trung Quốc China Mobile vừa phóng thành công vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới, đánh dấu bước đột phá trong kết nối mạng lưới mặt đất và không gian tích hợp…
Trong khi một số quốc gia trên thế giới vẫn đang học hỏi và triển khai kết nối 5G, thì Trung Quốc lại quyết tâm bứt tốc phát triển thế hệ công nghệ không dây tiếp theo, 6G. Theo Tech Wire Asia, kế hoạch kế nhiệm 5G được thực hiện bởi một số công ty không chỉ ở Trung Quốc và đã được triển khai trong khoảng thời gian dài.
Bước tiến đột phá của ngành viễn thông
Dự kiến ra mắt nhanh hơn nhiều so với thế hệ tiền nhiệm, mạng 6G có thể hỗ trợ hầu hết ứng dụng vượt khỏi nhu cầu sử dụng thông thường. Lợi ích này mang đến cho người dùng khả năng liên lạc tức thời ở mọi nơi và kết nối vạn vật (IoT). Công nghệ 6G hoạt động trên tần số vô tuyến cao, tốc độ truyền dẫn băng thông lớn và độ trễ thấp tính theo đơn vị micro giây.
Tại châu Âu, dự án nghiên cứu 6G do Ericsson và Nokia đồng thực hiện. Trong đó, Công ty viễn thông Ericsson chịu trách nhiệm kỹ thuật, còn Nokia đóng vai trò trưởng nhóm dự án. Thành lập vào tháng 1/2021, Hexa-X đang nỗ lực tăng cường nhiều hoạt động nhằm phát triển và hội nhập ngành công nghiệp kết nối không gian – mặt đất. Bên cạnh lợi ích, dự án cũng chỉ ra một số thách thức mà các tổ chức có thể đối mặt trong tương lai với mạng 6G.
Tiềm năng của công nghệ 6G
Mặc dù chưa có mốc thời gian cụ thể cho kế hoạch triển khai 6G, nhưng nhiều chuyên gia dự đoán, công nghệ tiên tiến này sẽ được phát hành vào cuối thập kỷ.
Các nhà phân tích cũng chỉ ra nhiều lợi ích tiềm năng của công nghệ 6G. Tính năng đầu tiên được nhắc tới là sao lưu kỹ thuật số. 6G cho phép tạo ra bản sao từ các đối tượng, hệ thống hoặc quy trình vật lý, nhờ sử dụng dữ liệu cảm biến, AI và điện toán biên. Hoạt động với tần số cao, 6G cũng tăng khả năng phối hợp chặt chẽ giữa robot và con người trong nhiều lĩnh vực như sản xuất, hậu cần và giáo dục.
Trên phương diện y tế, công nghệ giúp con người tiếp cận phương pháp chăm sóc sức khỏe dễ dàng hơn, đặc biệt hữu ích với nhóm dân cư vùng sâu vùng xa và có hoàn cảnh khó khăn. Mạng 6G còn hỗ trợ đắc lực một số tình huống chăm sóc sức khỏe tiên tiến như kiểm soát thiết bị trong cơ thể hay phẫu thuật từ xa.
Công nghệ mới cho phép người nông dân canh tác bền vững dựa trên cơ sở dữ liệu, sử dụng cảm biến, máy bay không người lái và nhiều thiết bị kỹ thuật số hiện đại trong nông nghiệp.
Lợi ích đặc biệt của 6G phải kể tới giám sát môi trường sống. Nhằm tăng cường tính bền vững và bảo vệ Trái Đất, mạng lưới cho phép chuyên gia phân phối cảm biến toàn cầu hỗ trợ theo dõi các chỉ số môi trường và thúc đẩy hành động vì khí hậu.
Cuối cùng, 6G đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển sản phẩm thực tế mở rộng đa giác quan và cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Công nghệ giúp phát triển trải nghiệm nhập vai và tương tác kích thích nhiều giác quan bao gồm xúc giác, khứu giác và vị giác. Với doanh nghiệp, khả năng cung cấp dịch vụ phù hợp với ngữ cảnh người dùng, dựa trên sở thích, nhu cầu và cảm xúc khách hàng là vô cùng cần thiết.
Nỗ lực tiên phong của đất nước tỷ dân
Tại Châu Á, đất nước tỷ dân tiên phong phát triển công nghệ 6G, đặt mục tiêu bắt đầu thương mại hóa vào năm 2030. Nước này cũng dự kiến thiết lập tiêu chuẩn 6G vào năm 2025.
Nỗ lực 6G của Trung Quốc được thúc đẩy từ tham vọng nâng cấp cơ sở sản xuất, phát triển nền kinh tế công nghệ tiên tiến và nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu. Ba nhà khai thác viễn thông lớn của Trung Quốc bao gồm China Mobile, China Telecom và China Unicom đều tham gia nghiên cứu và phát triển 6G cũng như tiếp tục triển khai và ứng dụng mạng 5G trên toàn quốc.
Vừa qua, China Mobile đã phóng thành công vệ tinh 6G đầu tiên trên thế giới lên quỹ đạo. Các phương tiện truyền thông đưa tin, đây là vệ tinh quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO) đầu tiên trên thế giới sử dụng kiến trúc thiết kế 6G. Vệ tinh dự kiến tiếp tục thử nghiệm công nghệ liên lạc tích hợp từ không gian đến mặt đất.
Vệ tinh thử nghiệm của Trung Quốc lưu trữ kiến trúc tự động phân tán cho dịch vụ 6G, do China Mobile và Học viện Đổi mới Vệ tinh Vi mô thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc thực hiện. Hệ thống, sử dụng phần mềm và phần cứng nội địa, có thể triển khai linh hoạt một số chức năng mạng lõi và quản lý tự động, nâng cao hiệu quả và độ tin cậy của hoạt động trên quỹ đạo vệ tinh.
Đặt ở độ cao khoảng 500 km, vệ tinh thử nghiệm mang lại nhiều ưu điểm như độ trễ thấp, tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn so với các vệ tinh đặt cách bề mặt Trái đất 36.000 km.
Theo China Mobile, vệ tinh 6G là nền tảng quan trọng cho công nghệ kết nối mạng mặt đất và không gian tích hợp trong tương lai. LEO có thể giải quyết tốt điểm yếu vùng phủ sóng tín hiệu của mạng di động mặt đất truyền thống, cung cấp dịch vụ internet băng thông cao trên toàn cầu.
Giới chuyên gia tin tưởng, công nghệ 6G giúp nhà phát triển tạo ra nhiều ứng dụng đột phá trong tương lai, thay đổi cách con người sinh sống và làm việc theo chiều hướng tích cực. Mạng 6G cũng sẽ mở ra vô số cơ hội và thách thức mới tại nhiều lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe, năng lượng thông minh hay giao thông vận tải.
Nguồn: vneconomy.vn